Một số biện pháp giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ 4-5 tuổi trong trường mầm non

Thứ tư, 21/6/2023, 5:43
Lượt đọc: 2862
ĐẶT VẤN ĐỀ

1. Lý do chọn đề tài

Hiện nay, chúng ta đang phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề môi trường  trên phạm vi toàn cầu, bao gồm: sự biến đổi khí hậu, suy thoái đa dạng sinh học, suy thoái tài nguyên nước ngọt, suy thoái tầng ôzôn, suy thoái đất và hoang mạc hóa, ô nhiễm các chất hữu cơ độc hại, túi nilon rác thải nhựa khó phân hủy…Những vấn đề này có mối tương tác lẫn nhau và đều ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống, sức khỏe con người cũng như sự phát triển của xã hội. Trong đó, dù ở mức độ quốc gia hay toàn cầu thì biến đổi khí hậu luôn được xem là vấn đề môi trường nóng bỏng nhất và hơn thế nữa còn được coi là một vấn đề quan trọng tác động tới tiến trình phát triển bền vững hiện nay trên toàn thế giới.
      Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm, trên thế giới có khoảng 7 triệu người tử vong do các bệnh liên quan tới ô nhiễm không khí như các bệnh về tim, phổi và đột quỵ. Hàng ngày, có khoảng 93% trẻ em trên thế giới dưới 15 tuổi (tương đương với 1,8 tỷ em) phải hít thở bầu không khí ô nhiễm khiến cho sức khỏe và sự phát triển của các em bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Những năm gần đây Hà Nội đứng trong danh sách những Thủ đô ô nhiễm nhất Đông Nam Á, không khí tại Hà Nội đã vượt quy chuẩn, lượng bụi cao gấp 2 lần so với mức cho phép ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe con người đặc biệt trẻ nhỏ. Không những thế thiên tai, dịch bệnh cũng ảnh hưởng rất lớn đến trẻ em, năm 2020 ở miền Trung của Việt Nam đã gánh chịu những cơn bão, lũ lịch sử: “Bão liên tiếp bão, lũ chồng lũ” khiến nhiều gia đình mất người thân, mất tài sản, nhiều trẻ em thiệt mạng.  

Để hình thành ý thức bảo vệ môi trường cho con người ngay từ cấp học Mầm non rất quan tâm đến lĩnh vực này, Vụ Giáo dục Mầm non đã có công văn hướng dẫn thực hiện chỉ thị 02/2005/BGD&ĐT về việc: “Tăng cường công tác giáo dục bảo vệ môi trường trong trường mầm non giai đoạn “2005 -2010”  các cơ sở giáo dục Mầm non tham gia vào công tác giáo dục bảo vệ môi trường.

Trên thực tế ta đã biết trẻ nhỏ là đối tượng sức đề kháng rất yếu dễ bị tác động bởi yếu tố môi trường, đặc biệt do ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính, thực phẩm bị nhiễm hóa chất ảnh hưởng rất lớn đến trẻ nhỏ, trẻ dễ mắc bệnh mãn tính ho, hen suyễn, viêm phổi, tiêu hóa, tim mạch dẫn đến tử vong.

Vấn đề giáo dục bảo vệ môi trường cho trẻ ở trường tôi đã được chú trọng song kết quả chưa cao. Cha mẹ học sinh còn xem nhẹ việc giáo dục bảo vệ môi trường cho trẻ vì thế sự phối hợp giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ còn khó khăn. Một số cháu ở lớp tôi ý thức bảo vệ môi trường của trẻ còn yếu, chưa có tính tự giác, trẻ chỉ làm việc khi cô giáo yêu cầu, bởi vậy tôi rất lo lắng về ý thức bảo vệ môi trường của trẻ.

 Xuất phát những lý do trên, tôi đã lựa chọn đề tài: “Một số biện pháp giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ 4-5 tuổi trong trường mầm non” để nghiên cứu và thực hiện

2. Mục đích nghiên cứu.

- Nhằm tìm ra một số biện pháp hay, sáng tạo giúp trẻ (4-5 tuổi) nâng cao ý thức bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp.

- Hình thành cho trẻ có thái độ thân thiện với môi trường biết được hành vi nên làm và không nên làm để bảo vệ môi trường.

- Giúp trẻ tự tin, hình thành kỹ năng lao động làm việc theo nhóm, trẻ thích tham gia quá trình trồng và chăm sóc bảo vệ cây, cùng cô giáo và bố mẹ.

 - Hình thành cho trẻ có thói quen, tự phục vụ biết giữ gìn vệ sinh thân thể, biết lau dọn, sắp xếp đồ dùng đồ chơi gọn gàng

- Giúp phụ huynh có thái độ thân thiện cởi mở khi trao đổi với cô giáo kinh nghiệm giáo dục con trẻ ý thức bảo vệ môi trường

3. Đối tượng nghiên cứu.

Nghiên cứu một số biện pháp giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ mẫu giáo 4-5 tuổi tại trường mầm non Yên Xá

4. Phương pháp nghiên cứu

Để thực hiện đề tài này tôi đã sử dụng các phương pháp sau:

- Phương pháp điều tra.

- Phương pháp quan sát sư phạm.

- Phương pháp thực hành, trải nghiệm.

- Phương pháp khảo sát thực trạng học sinh

- Phương pháp phân tích, tổng hợp

 II. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

1. Cơ sở lý luận:

         Như chúng ta đã biết: “Sự sống của con người trên trái đất này có tốt hay không thì chính môi trường là yếu tố quan trọng, quyết định đến điều đó. Môi trường bao gồm môi trường tự nhiên, môi trường xã hội nó được tạo lập xung quanh con người, chi phối và quyết định chất lượng cuộc sống. Duy trì được chất lượng môi trường sẽ cân bằng giữa môi trường và sự phát triển

Môi trường sống của con người ngày nay đang bị ô nhiễm ngày một trầm trọng, nguyên nhân chủ yếu là ý thức và tác động của con người, mà con người trực tiếp phải gánh chịu hậu quả. Đời sống của con người có nhiều sự thay đổi, họ ý thức về tác hại do môi trường gây ra. Chính vì vậy công cuộc bảo vệ môi trường là toàn xã hội quan tâm, từng cá nhân có ý thức, cả cộng đồng cùng chung tay.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả về công tác bảo vệ môi trường trong nhà trường, các cấp học. Riêng cấp học mầm non trong những năm gần đây tiếp tục thực hiện chủ đề: “Xây dựng trường lớp Mầm non hạnh phúc. Xây dựng trường, lớp xanh- sạch- đẹp, an toàn. Xây dựng môi trường lấy trẻ làm trung tâm. Nói không với rác thải nhựa”. Việc giáo dục trẻ có những hiểu biết về môi trường, có ý thức thói quen và hành động bảo vệ môi trường cần được quan tâm ngay từ lứa tuổi mầm non. Lứa tuổi này trẻ rất thích tiếp xúc với thiên nhiên và cuộc sống xung quanh, dễ hấp thụ và hình thành những nề nếp thói quen, những giá trị tốt đẹp. Giáo dục bảo vệ môi trường đối với trẻ mầm non có ý nghĩa vô cùng quan trọng nó góp phần hình thành nhân cách trẻ, phát triển tốt các mặt đức, trí, thể, mỹ, thiện cho trẻ.

2. Cơ sở thực tiễn.

Năm học 2022 - 2023, tôi được nhà trường phân công dạy lớp B1 mẫu giáo nhỡ (4-5) tuổi. Tôi nhận thấy những điều kiện thuận lợi và khó khăn ở lớp tôi như sau:

2.1. Thuận lợi

- Tôi thường xuyên được tham gia tập huấn các chuyên đề do Phòng giáo dục tổ chức và dự giờ chị em đồng nghiệp. Luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban giám hiệu nhà trường để tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ.

- Tôi rất hạnh phúc được làm việc trong một tập thể sư phạm luôn đoàn kết yêu thương, giúp đỡ về chuyên môn nghiệp vụ để cùng tiến bộ.

- Bản thân tôi luôn có tinh thần học hỏi, nhiệt tình trong giảng dạy, yêu nghề mến trẻ, luôn tìm tòi, mong muốn đổi mới, hình thức đổi mới vào các hoạt động giáo dục nhằm thu hút trẻ tham gia tích cực vào các hoạt động.

- Khuôn viên nhà trường rộng rãi, thoáng mát, có vườn rau, bồn hoa, cây cảnh giúp trẻ có không gian chơi và hoạt động .

- Lớp học có tivi, máy tính kết nối internet giúp giáo viên cập nhật và ứng dụng công nghệ thông tin vào bài dạy.

- Được phụ huynh ủng hộ nhiệt tình trong mọi phong trào học tập của cô và trò.

- Tỷ lệ chuyên cần của lớp cao: 92%

2.2. Khó khăn.

 - Trẻ trai trong lớp còn đông và hiếu động, khả năng phát triển nhận thức của trẻ  chưa đồng đều, một số cháu còn nhút nhát chưa tự tin khi tham gia các hoạt động.

-  Một số phụ huynh còn chưa ý thức được tầm quan trọng của việc giáo dục trẻ bảo vệ môi trường.

- Một số trang thiết bị phục vụ cho trẻ tham gia thực tế còn hạn chế: Bình xịt tưới cây, thùng rác phân loại.

- Kỹ năng tự phục vụ, lao động tập thể, sắp xếp đồ dùng, đồ chơi của trẻ còn chưa đạt yêu cầu so với độ tuổi

*Về phía giáo viên

- Giáo viên có lồng ghép giáo dục bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động học nhưng hiệu quả chưa cao

- Tổ chức cho trẻ lao động, trải nghiệm các hoạt động bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện chương trình còn hạn chế

*Khảo sát điều tra ban đầu: Tổng số trẻ được khảo sát: 46 trẻ

 Bảng khảo sát đầu năm về thói quen, ý thức bảo vệ môi trường của trẻ

  Bảng 1. Khảo sát đầu năm

 

STT

 

Nội dung khảo sát

Đầu năm

Đạt

Chưa đạt

Số trẻ

Tỷ lệ

Số trẻ

Tỷ lệ

1

Biết cất dọn đồ dùng, đồ chơi đúng nơi quy định

12

26.0%

34

74%

2

Biết giữ gìn vệ sinh trường, lớp

15

32.6%

31

67,3%

3

Biết chăm sóc và bảo vệ cây xanh

13

28.2%

33

71.8%

4

Tự giác gom rác vào thùng để phân loại

11

23.9%

35

76.1%

5

Biết tiết kiệm điện, nước khi sử dụng

12

26.0%

34

74%

6

Phân biệt được những hành động đúng, sai với môi trường

14

30.4%

32

69.6%

Dựa vào những kết quả khảo sát trên tôi đã tôi đưa ra một số biện pháp sau đây để nâng cao hiệu quả giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ

3. Các biện pháp thực hiện.

3.1. Biện pháp 1: Xây dựng kế hoạch cụ thể         

- Đầu năm học tôi xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng tháng

Tháng

Nội dung

9

- Giáo viên trang trí lớp khoa học, thoáng mát, an toàn.

- Điều tra thực trạng.

- Lập kế hoạch vệ sinh trong và ngoài lớp học theo tháng, tuần, ngày cho trẻ thực hiện

STT

HÀNG NGÀY

HÀNG TUẦN

THÁNG

1

Phơi Khăn

 

 

2

Úp cốc

 

 

3

Sắp xếp đồ dùng, đồ chơi

 

 

4

Tưới cây

Tỉa lá vàng

 

5

 

Lau dọn giá đồ chơi

 

6

 

Lao động tập thể vệ sinh ngoài lớp học

 

7

 

 

Chăm sóc vườn cây của trường

 

- Họp phụ huynh để tuyên truyền kết hợp giữa gia đình và nhà trường trong công tác giáo dục trẻ bảo vệ môi trường (Phát tài liệu kế hoạch thực hiện)

10

- Vận động phụ huynh “Nói không với rác thải nhựa”, khuyên góp ủng hộ cây xanh, nguyên vật liệu phế thải để cô trò tái sử dụng làm đồ dùng, đồ chơi

- Thực hành trồng cây xanh để trẻ chăm sóc cây ở góc thiên nhiên

11

- Rèn kỹ năng: lấy, cất đồ chơi gọn gàng, ngăn nắp trong các giờ học và vui chơi

12

 

- Khuyến khích trẻ sưu tầm tranh, ảnh lao động chăm sóc có ích trong công tác bảo vệ môi trường và thiên nhiên

 

1

-Tổ chức cho trẻ hoạt động trải nghiệm nhặt lá, chăm sóc vườn rau của nhà trường, tăng cường lao động tập thể

2

- Cùng phụ huynh học sinh tham gia phong trào: “Tết trồng cây”

3

- Tổ chức thi đua phân loại rác giữa các thành viên trong lớp

4

- Tổ chức thi đua tìm và nói lên suy nghĩ của mình về những hình ảnh đúng- sai trong việc bảo vệ môi trường

5

- Tổ chức thi vẽ tranh về chủ đề: “Bảo vệ môi trường”

 

3.2. Biện pháp 2:  Cô giáo gương mẫu chuẩn mực

        - Sự gương mẫu chuẩnn mực của cô giáo có sức ảnh hưởng rất lớn đối với trẻ nhỏ vì trẻ nhỏ thường bắt chước người lớn. Trẻ dễ bắt chước hành vi đúng nhưng ngược lại trẻ cũng dễ bắt chước hành vi sai vì thế khi trẻ ở lớp cô giáo cần thực sự là tấm gương sáng cho trẻ noi theo.

+ Tôi đối xử công bằng với các cháu trong lớp, có thái độ văn minh trong giao tiếp nói lời lịch sự với phụ huynh, đồng nghiệp với trẻ để các cháu noi theo

+ Tôi thường xuyên lau dọn vệ sinh lớp học, đồ dùng, đồ chơi sắp gọn gàng, khoa học và đặc biệt là luôn vứt rác đúng thùng để phân loại

+ Cô giáo tiết kiệm điện, nước mọi lúc, mọi nơi, tắt điện, quạt khi rời khỏi lớp, kiểm tra van nước sau khi trẻ rửa tay và trước khi ra về

+ Cô trồng và chăm sóc cây xanh, giữ gìn và bảo vệ cây xanh nơi vườn trường và nơi công cộng, không dẫm lên cây xanh, không bẻ cành ngắt lá.

+ Mỗi giáo viên phải nêu gương trước trẻ, hạn chế dùng đồ nhựa một lần, sử dụng đồ dùng, túi đựng thân thiện môi trường”.

3.3. Biện pháp 3: Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ thông qua giờ học

          Giờ hoạt động chung trẻ được tham gia nhiều vào các hoạt động khác nhau: làm quen tác phẩm văn học, khám phá, âm nhạc, tạo hình ... mỗi hoạt động đều có những đặc trưng riêng và có ưu thế khác nhau: trẻ quan sát, đàm thoại, thực hành trải nghiệm, thí nghiệm, chơi các trò chơi.... để trẻ nhận ra đư­ợc những việc làm tốt- không tốt, kích thích trẻ suy nghĩ, có thái độ phù hợp trong việc bảo vệ môi trường      

+ Thông qua hoạt động làm quen các tác phẩm văn học:

          Tôi thường kể cho trẻ nghe một số câu chuyện sưu tầm như truyện: “Mái tóc của rừng” để lồng ghép giáo dục trẻ bảo vệ môi trường

+ Khi kể chuyện xong tôi hỏi trẻ. Rừng là cô bé có mái tóc như thế nào? Các bạn nhỏ khi nướng cá xong đã không dập lửa nên xảy ra điều gì? Tóc của rừng bị cháy ra sao?. Trận lũ đã xảy ra và đẩy các bạn đi đâu?. Các bạn nhỏ đã làm gì để cây phát triển cao lớn?.Qua câu chuyện đó con rút ra được điều gì? …

Hoặc qua câu chuyện sưu tầm: Túi nilon phiêu lưu kí, Bé và bao nilontôi giáo dục trẻ: “Nói không với rác thải nhựa”. Vì túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần rồi vứt bỏ ra môi trường gây ô nhiễm môi trường và hệ sinh thái trên trái đất. Túi nilon và rác thải nhựa lâu phân hủy trong môi trường tự nhiên, để chúng tự phân hủy phải mất năm trăm đến một ngàn năm. Nếu chúng tồn tại ở dưới cống rãnh là điều kiện thích hợp để dịch bệnh phát triển, nếu ở dưới đất cây cối sẽ chết, nếu chúng chảy ra biển loài các ăn vào sẽ tắc ruột. Túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần ảnh hưởng đến sức khỏe con người và hệ sinh thái trên trái đất.

Ngoài ra còn rất nhiều câu chuyện về bảo vệ cây xanh, môi trường nước, động vật như: Cò về rồi, Cậu bé và cây, Chuyện của bé bi … Qua mỗi câu chuyện để trẻ có thể khắc sâu hơn tôi thường để trẻ tự rút ra bài học về việc bảo vệ môi trường, sau đó tôi mới giáo dục trẻ

 

(Ảnh minh họa 1)

 

+ Thông qua hoạt động Khám phá khoa học:  

Trong giờ học: “Phân loại rác” tôi đã chuẩn bị 3 thùng rác có dán hình ảnh tượng trưng bên ngoài (Rác vô cơ, rác hữu cơ, rác tái chế). Tôi đặt câu hỏi cho trẻ suy nghĩ trả lời. Rác hữu cơ gồm rác như thế nào? (cuống và lá rau xanh, vỏ chuối, vỏ dưa hấu, vỏ cam....). Rác vô cơ gồm rác như thế nào? (cốc, bát thủy tinh vỡ, vỏ trứng, vỏ sò, túi nilong, quần áo cũ, đồ chơi, xương động vật, cành cây khô...). Rác tái chế gồm rác như thế nào? (chai, hộp nhựa, lon bia, nhôm, sắt, giấy bìa, giấy vụn...). Vì sao chúng ta cần phân loại rác? (để giảm thải chất thải ra môi trường, rác thải tái chế có thể sử dụng làm thành đồ dùng đồ chơi, rác hữu cơ có thể tạo ra phân bón cây trồng...). Khi tổ chức hoạt động ôn luyện bài tôi cho trẻ chơi trò chơi vận động: “Chọn nhanh chọn đúng” tôi yêu cầu trẻ bật qua vòng chọn một loại rác để phân loại đúng thùng. Tôi chuẩn bị rác hữu cơ là một số loại rau, củ quả: bắp cải, cà rốt, xu hào..., rác vô cơ là: lõi giấy vệ sinh, túi nilong, cành cây khô, quần áo, khăn mặt cũ ... rác tái chế là: vỏ lon bia, vỏ lon nước ngọt, chai nhựa... tất cả đồ dùng đồ chơi đó được tôi vệ sinh sạch sẽ. Tôi chia trẻ ra ba đội mỗi đội phân loại một loại rác sau đó tôi cho trẻ tự nhận xét kết quả của ba đội.

Ở trường các con được ăn quả tráng miệng là dưa hấu và chuối, tôi tận dụng vỏ quả bỏ đi đó cùng hướng dẫn cho trẻ ủ vỏ quả để tạo phân hữu cơ tưới rau. Tôi chuẩn bị một hộp nhựa to trong đó đựng nước vo gạo để trẻ cho vỏ quả vào. Trẻ rất thích thú vừa biết thêm kiến thức mới vừa được thực hành trải nghiệm thực tế 

 

 

                                           (Ảnh minh họa 2,3)

Trong giờ học khám phá: “Sự nảy mầm của hạttôi phối hợp cùng phụ huynh cho trẻ gieo hạt rau vào hộp nhựa ở nhà, đến giờ hoạt động khám phá khoa học trẻ sẽ mang sản phẩm của mình đến lớp. Trẻ được tự tay gieo trồng và mục đích của tôi là trẻ được thực hành, tìm hiểu và hàng ngày quan sát chăm sóc để trẻ biết quá trình phát triển của hạt thành cây, trẻ nói lên được cảm nhận của trẻ khi trồng và chăm sóc cây xanh để bảo vệ môi trường. Qua đây tôi tích hợp giáo dục trẻ trồng rau sạch cũng là một trong những hình thức để bảo vệ môi trường 

(Ảnh minh họa 4,5)

Trong giờ khám phá khoa học tôi cho trẻ quan sát thí nghiệm:“ Một số con vật sống dưới nước”. (Tôi chuẩn bị 2 bình nước, 1 bình nước sạch, 1 bình nước bẩn bị ô nhiễm) tôi thả cá, tôm vào 2 bình số lượng con vật như nhau cho trẻ quan sát nhận xét về sự tồn tại của các con vật sống ở hai môi trường nước khác nhau. Con vật sống ở môi trường nước sạch sẽ như thế nào?.Con vật sống môi trường nước bẩn bị ô nhiễm sẽ ra sao?. Qua đó giáo dục trẻ chăm sóc và bảo vệ các con vật nuôi, thông qua đây tôi giáo dục trẻ bảo vệ môi trường nước

(Ảnh minh họa 6)

+ Thông qua hoạt động Giáo dục âm nhạc:

Khi cho trẻ hát những bài hát về cây xanh tôi kết hợp giáo dục trẻ để trẻ biết cây xanh có ý nghĩa như thế nào với môi trường, thông qua đó trẻ thấy được bảo vệ cây xanh cũng là bảo vệ môi trường.

Ví dụ: Tôi dạy trẻ bài hát: “Em trồng cây”. Tôi dùng tư liệu vi deo quay cảnh cô và các bạn đang trồng cây cho trẻ xem khi vào bài và hỏi trẻ vì sao phải trồng cây? Cây xanh mang đến những lợi ích gì? Sau đó tôi tổng hợp và giáo dục trẻ: chúng ta nên trồng cây xanh vì cây xanh cho ta bóng mát, cho ta bầu không khí trong lành, cây cho ta trái ngọt.

 

(Ảnh minh họa 7)

 

+ Thông qua hoạt động Tạo hình

 Với các giờ hoạt động tạo hình tôi cùng trẻ tận dụng những đồ phế thải như: bìa giấy, khuôn đựng trứng bằng giấy, lõi giấy, đá sỏi, vỏ sò, vỏ hộp sữa chua, các vỏ chai, vỏ hộp, vỏ hạt lạc … để tái sử dụng thành các đồ chơi trong hoạt động học, hoạt động chơi, làm chậu để trồng cây… vừa giảm thải lượng rác ra môi trường xung quanh, vừa sáng tạo  ra đồ dùng cho trẻ. Trong thời gian vừa qua cô và trò chúng tôi đã làm được rất nhiều đồ dùng, đồ chơi từ nguyên vật liệu phế thải như: (Ống dựng bút bằng lõi giấy, tranh hoa bằng khuôn giấy đựng trứng, tranh sáng tạo từ vỏ lạc, tranh hoa bằng vỏ sò, các con vật từ vỏ hộp sữa chua, vỏ chai, vỏ hộp nhựa trồng cây, bộ chơi Bolinh bằng lõi giấy, thùng rác phân loại bằng hộp giấy cho trẻ chơi đồ chơi....). Tôi giáo dục trẻ những vật bỏ đi nếu trực tiếp vứt ra môi trường sẽ làm cho môi trường bị ô nhiễm trầm trọng, có rất nhiều loại rác khó phân hủy như hộp nhựa vì thế ta có thể tận dụng làm đồ dùng, đồ chơi tái chế vừa có đồ dùng đồ chơi cho các con, vùa bảo vệ môi trường

 

   (Ảnh minh họa 8,9

 

+ Thông qua hoạt động khác

Giờ chơi hoạt động góc

Thông qua giờ chơi hoạt động góc trẻ có thể rút ra những bài học, những kinh nghiệm cho bản thân, khi chơi cùng bạn trẻ có thể trao đổi những kinh nghiệm mà mình có với bạn cùng chơi. Bởi thế trong giờ hoạt động góc tôi tạo ra góc chơi cho trẻ lựa chọn đúng- sai. Trẻ chọn và khoanh tròn những hình ảnh bảo vệ môi trường và gạch chéo hình ảnh gây ô nhiễm môi trường như: (Hình ảnh bẻ cành, hái hoa, hình ảnh vứt rác bừa bãi, khói độc do nhà máy thải ra, khói do các phương tiện giao thông, nước thải của nhà máy dệt lụa đổ ra sông…)  và các hình ảnh giúp làm sạch môi trường như: (bé trồng cây, tưới và chăm sóc cây, dọn vệ sinh lớp học, sân trường, vệ sinh nhà cửa, bỏ rác vào thùng để phân loại … rồi cho trẻ lựa chọn giúp trẻ khắc sâu những hành vi không nên làm và hành vi cần làm để bảo vệ môi trường

Ngoài ra tôi còn tìm những hình ảnh vẽ rỗng trên mạng, tôi yêu cầu trẻ tô màu những hành động có lợi cho môi trường, gạch đi những hành động làm ô nhiễm môi trường. Tôi tận dụng những sản phẩm tô màu của trẻ để phục vụ giờ hoạt động khám phá khoa học

 

(Ảnh minh họa 10,11)

 

 

Giờ hoạt động chiều

Với các buổi chiều tôi nhận thấy cho trẻ tiếp cận với các bài hát, bài thơ, câu chuyện, câu đố hay những trò chơi vận động rất hiệu quả, đem lại cho trẻ sự vui vẻ và hứng thú. Vì vậy để giáo dục trẻ ý thức bảo vệ môi trường tôi thường sưu tầm câu chuyện hay và sáng tác những bài thơ, những câu đố, bài hát liên quan đến môi trường để lồng ghép giáo dục trẻ những hành vi bảo vệ môi trường.

+ Ví dụ câu đố về môi trường tôi sáng tác như: Cái thùng rác

Sừng sững đứng ở ngoài đường

Quanh năm chẳng sợ nắng mưa bão bùng

Thấy rác bé bỏ vào ngay

Sạch băng hè phố cho người dạo chơi

Đố bé đó là cái gì?

Tôi đặt câu hỏi cho trẻ trả lời: Cô vừa đọc câu đố về cái gì? Thấy rác rơi ngoài đường con sẽ phải làm gì?

+ Hoặc câu đố về môi trường như: “Túi ni long

Người người dùng đựng chúng

Khi đi chợ mua đồ

Nếu vứt ra đường phố

Gió sẽ bay xuống cống

Làm tắc luôn dòng chảy

Đó là cái túi gì?

Cô vừa đọc câu đố về loại túi gì? Túi nilong là rác thải nhựa rất khó phân hủy, nếu túi nilong chảy xuống cống trôi ra sông, ra biển sẽ gây hại như thế nào đối với sinh vật biển?

+ Ví dụ bài hát tôi sáng tác: “Tiết kiệm nước sạch” (Dựa theo nền nhạc bài hát: Ăn trộm trứng gà)

Tiết kiệm nước sạch

Này bé ơi hãy nhớ!

Một bình nước khoáng

Mời các bé uống ngay!

Rửa tay sạch sẽ

Cũng bằng nước sạch

Vì đây bé biết rằng nguồn nước quan trọng

Và ta hãy cố gắng bảo vệ môi trường

Qua bài hát tôi hỏi trẻ về nội dung bài hát, sau đó giải thích cho trẻ hiểu nước quan trọng đối với đời sống con người và vạn vật, nguồn nước sẽ bị cạn kiệt không phải là bất tận vì thế chúng ta cần có ý thức sử dụng tiết kiệm nước, đặc biệt phải biết bảo vệ môi trường nước không vứt rác xuống ao, hồ...

Ví dụ: Tôi đã sáng tác ra bài hát: “Góc thiên nhiên vui thật là vui” dựa theo nền nhạc bài: “Chú voi con ở Bản Đôn”

Góc thiên nhiên vui thật là vui!

Chăm sóc cây lớn thật là nhanh

Và hàng ngày cô giáo dạy rồi!

Có cây xanh ta khỏe mạnh ra….

Bé yêu ơi, bé yêu ơi!

Mau đến đây chúng ta cùng chơi

Bé tưới cây, nhổ cỏ bắt sâu.

Bé xới tung đất để trồng cây

Mau ra chơi, mau ra chơi…

Qua bài hát tôi giáo dục trẻ trồng cây xanh cho ta bóng mát và bầu không khí trong lành rất tốt cho môi trường và cho sức khỏe

 + Ví dụ bài thơ về môi trường tôi sáng tác như:

Nếu không có cây xanh

Bé có biết chặt cây

Là mất đi bóng mát

Nếu không có cây rừng

Mất các loài chim muông

Rừng mà không còn nữa

Thì mưa lũ quét ngay

Cửa nhà và mọi vật

Sẽ trôi theo dòng nước

Con người không sống nổi

Nếu không có cây xanh

 

Qua bài thơ trẻ biết được ích lợi của cây xanh, của rừng đối với đời sống con người từ đó trẻ có thái độ yêu quý biết chăm sóc bảo vệ cây xanh (không bứt lá, bẻ cành, lá, hoa, không giẫm lên cỏ, hoa...).

+ Hoặc bài thơ do tôi sáng tác: Em yêu bác lao công!”

Sân trường em sạch sẽ

Nhờ bác lao công

Ngày ngày bác quét dọn

Giúp sân trường sạch hơn

Còn chúng em góp sức

Nhặt rác, lá rơi đầy

Nhưng các bạn cần nhớ!

Phân loại rác liền tay

Trước khi bỏ vào thùng

Cho các bạn dạo chơi

Trượt cầu và tắm nắng

Để các bạn thêm lớn

Thêm yêu bác lao công!

Qua bài thơ giúp trẻ hiểu công việc thầm lặng, cực nhọc của bác lao công, bác đã dọn vệ sinh trường sạch sẽ để các bạn vui chơi từ đó trẻ biết yêu quý, trân trọng và biết giúp đỡ bác lao công trong việc dọn vệ sinh trường, lớp, góp một phần công sức bé nhỏ để cải thiện cho môi trường xanh - sạch - đẹp hơn.

Thông qua những trò chơi vận động như: “Bé phân loại rác, Ném Bolinh, Ném giấy vụn vào rổ…”. Trẻ rất thích thú khi được tham gia trò chơi vận động vừa rèn luyện thể chất rèn được sự linh hoạt nhanh nhẹn vừa lồng ghép giáo dục bé bảo vệ môi trường

 

(Ảnh minh họa 12)

+ Thông qua hoạt động nêu gương.

Hoạt động nêu gương cũng là một trong những hoạt động giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ. Vào những buổi chiều thứ 6 tôi yêu cầu trẻ kể những việc làm tốt của mình và các bạn để bảo vệ môi trường như trẻ giúp cô giáo phơi khăn, kê bàn ăn, gấp khăn dải chiếu, cất gối, gấp chăn. Biết phân loại rác để vào thùng, biết lau dọn đồ dùng, đồ chơi, nhặt lá rụng, biết lao động tập thể biết làm việc theo nhóm quét dọn sân trườn, biết tiết kiệm nước khi uống nước và khi rửa tay...... Tôi đã tuyên dương khích lệ trẻ bằng cách đóng dấu sticker mặt cười cho trẻ. Qua sự động viên khích lệ trẻ như vậy cháu được khen sẽ cố gắng làm tốt hơn, cháu chưa được khen học tập bạn  cùng nhau tiến bộ.

+ Thông qua sinh hoạt hàng ngày

       Thông qua hoạt động vệ sinh, ăn ngủ: Vào đầu năm học khi rèn nếp cho các con tôi đã giáo dục trẻ biết ích lợi của việc giữ gìn vệ sinh thân thể, vệ sinh môi trường đối với sức khoẻ. Đây là hoạt động nhằm hình thành các nề nếp thói quen trong sinh hoạt: Hàng ngày tôi cho trẻ rửa tay để phòng bệnh (bệnh Covid 19, bệnh đau mắt, bệnh chân tay miệng, bệnh giun sán...) những thời điểm cần rửa tay, rửa mặt (trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi chơi nơi công cộng về, sau khi hoạt động ngoài trời, sau khi chăm sóc con vật nuôi và khi tay bẩn). Trẻ có hành vi văn minh lịch sự và thói quen tốt trong ăn uống: mời cô, mời bạn trước khi ăn, không nói chuyện cười đùa trong khi ăn, biết lấy tay che miệng khi ho, hắt hơi và ngáp, ăn hết suất cơm, cơm rơi nhặt vào đĩa... ăn xong biết cất bát, thìa vào nơi quy định không mang bánh kẹo, đồ ăn vặt đến lớp. Khi trẻ uống sữa học đường xong trẻ tự gấp vỏ hộp sữa, nhấn ống hút bên trong hộp, ép dẹp vỏ hộp, bóc miếng dán, dán vào chỗ ống hút sau đó để gọn vào thùng sữa. Hoạt động thu gom vỏ hộp sữa đã được nhà trường thực hiện đều đặn mỗi sáng. Không chỉ giúp khuyến khích các con uống hết phần sữa mà việc thu gom vỏ hộp là dịp để chúng tôi chia sẻ với các con lợi ích của những chiếc vỏ hộp sữa và nhiều vật dụng khác trong việc tái chế, góp phần bảo vệ môi trường sống.

Khi đeo khẩu trang dùng một lần xong thì trẻ biết vứt vào thùng rác. Tôi giải thích cho trẻ hiểu giống như rác thải nhựa khác, khẩu trang dùng một lần cũng có thể tích tụ và giải phóng các chất hóa học và sinh học có hại, chẳng hạn như hợp chất BPA, kim loại nặng, cũng như các vi sinh vật gây bệnh”. Điều này có thể gây ra những tác động bất lợi gián tiếp đến thực vật, động vật và con người”

  Khi trẻ ăn quả tráng miệng hoặc sữa chua xong thì trẻ biết vứt rác đúng thùng cần phân loại. Trẻ súc miệng nước muối tôi nhắc nhở trẻ tiết kiệm nước không rót quá nhiều nước muối khi súc miệng

Chuẩn bị giờ ăn tôi rèn trẻ kỹ năng tự phục vụ: kê bàn, lấy khay gấp khăn, đếm thìa.... Nhắc trẻ giữ gìn vệ sinh phòng, nhóm sạch sẽ, biết dải chiếu, gối chuẩn bị giờ ngủ, biết gấp chăn, cuộn chiếu cất dọn đồ khi ngủ dậy. Nhận biết ký hiệu thông thường: nhà vệ sinh nam, nữ, đi vệ sinh phải đúng nơi quy định, biết một số vật dụng, nơi nguy hiểm đối với bản thân: dao, kéo, ổ cắm điện, ao, hồ...

3.4.  Biện pháp 4: Trải nghiệm lao động tập thể

+ Giáo dục trẻ ý thức bảo vệ môi trường thông qua giờ hoạt động trải nghiệm thực tiễn lao động tập thể là vô cùng quan trọng không thể thiếu. Với phương châm:

“Học mà chơi, chơi mà học”. Giờ hoạt động ngoài trời là thời gian giáo dục trẻ ý thức bảo vệ môi trường hiệu quả nhất vì khi trẻ ra hoạt động ngoài trời trẻ được quan sát, thỏa sức trải nghiệm thực tế, được lao động tập thể, tập làm việc theo nhóm được giao lưu các bạn trong khối...Tôi đưa ra những câu hỏi và đưa ra nhiệm vụ, bên cạnh đó hướng dẫn trẻ để trẻ thực hiện. (Các con nhận xét xem sân trường mình hôm nay như thế nào? Vì sao sân trường lại sạch như thế? Các con thấy vườn cây của trường mình như thế nào? Để vườn cây mãi xanh tốt con cần làm gì? Các con có muốn cùng nhau tham gia dọn vệ sinh làm sạch sân trường và chăm sóc vườn trường mình không?... Tôi chuẩn bị cho trẻ mũ, khẩu trang, chổi, hót rác, rẻ lau, bình tưới cây... cho trẻ thực hiện, trẻ được tham gia thực tế như: (Quét sân trường, thu gom rác, nhặt lá rụng, lau lá cây, chăm sóc tưới cây, nhổ cỏ, bắt sâu…).Trong quá trình thực hiện trẻ được trò chuyện giao lưu với các bạn lớp khác nên các cháu vui vẻ, tích cực tham gia hoạt lao động tập thể. Tôi hỏi trẻ hôm nay con cảm thấy thế nào khi tham gia trải nghiệm quét dọn sân trường và chăm sóc cây? Tôi trò chuyện giúp trẻ hiểu lao động dọn vệ sinh và chăm sóc cây xanh cũng là hành động bảo vệ môi trường giúp môi trường xanh - sạch - đẹp.       

(Ảnh minh họa 13,14)

Thông qua tổ chức lao động tập thể lau đồ dùng, đồ chơi, dọn vệ sinh lớp học theo tuần, tháng

- Việc dọn vệ sinh lớp học là hoạt động hết sức thiết, trẻ phải được thực hiện hàng tuần, hàng tháng nhằm hình thành ‎thói quen lao động, từ đó hình thành ý thức giữ gìn vệ sinh thân thể, vệ sinh n , trường, lớp sạch sẽ. Tôi chia trẻ thành nhiều nhóm và phân công từng nhóm trực nhật theo tuần, trẻ cùng cô lau dọn, bày biện đồ dùng, đồ chơi trong lớp và sau mỗi buổi lao động đó cô sẽ nhận xét, tuyên dương trẻ

(Ảnh minh họa 15,16,17,18)


3.5. Biện pháp 5: Ứng dụng công nghệ thông tin.

    Với thời đại 4.0 hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy không thể thiếu. Trong một số hoạt động học tôi đã thiết kế bài giảng điện tử có gắn hiệu ứng PowerPoint hình ảnh đẹp âm thanh sống động để lồng ghép giáo dục bảo vệ môi trường. Trẻ lên kích chuột, ô cửa mở ra trẻ thấy hình ảnh của mình và các bạn lớp mình đang chăm sóc cây, đang lao động dọn vệ sinh…, hoặc bài tập chọn hành vi đúng để bảo vệ môi trường. Qua bài giảng điện tử như vậy trẻ của lớp tôi rất thích thú, trẻ tích cực tham gia vào giờ học, trẻ được thao tác đơn giản trên máy tính thôi hiệu quả giờ học rất cao trẻ ghi nhớ khắc sâu kiến thức giáo dục môi trường.

(Ảnh minh họa 19)

Tôi thường tìm tòi để cho trẻ xem những đoạn Video clip, hình ảnh về môi trường bị ô nhiễm: Ô nhiễm đất, nước, không khí, nạn chặt phá rừng, khói bụi các nhà máy, khói do PTGT gây ra, rác thải trên đất liền, rác thải nhựa (rác thải nhựa chảy ra sông ra biển) thảm họa thiên nhiên động đất, núi lửa, bão, lũ lụt, hạn hán dịch bệnh... do biến đổi khí hậu và do ô nhiễm môi trường gây nên ảnh hưởng đến đời sống con người, con vật và cây cối. Tôi cho trẻ xem và đặt câu hỏi gợi mở muốn môi trường không bị ô nhiễm, giảm thảm họa thiên tai các con sẽ làm gì?

 

3.6. Biện pháp 6: Kết hợp với phụ huynh tuyên truyền giáo dục trẻ ý thức bảo vệ môi trường

        Việc phối kết hợp với phụ huynh học sinh trong công tác giáo dục trẻ ý thức bảo vệ môi trường là nhiệm vụ hàng đầu, nếu tôi giáo dục trẻ trên lớp thôi thì chưa đủ, mà trẻ cần được giáo dục và thực hiện ở nhà để trẻ nhớ và có kỹ năng thuần thục. Chính vì vậy đến giờ đón trả trẻ tôi thường trao đổi với phụ huynh về tình hình sức khỏe, việc làm trong ngày trẻ đã thực hiện để góp phần bảo vệ môi trường. Đồng thời trao đổi với phụ huynh giáo dục con  khi ở nhà làm những công việc vừa sức để giúp đỡ bố mẹ như: “Chăm sóc cây, chăm sóc con vật, vứt rác đúng nơi quy định, quét nhà, lau nhà, lau đồ dùng trong nhà, gấp quần áo … Khi có giờ khám phá khoa học tôi thường giao nhiệm vụ cho trẻ chuẩn bị bài mới, ví dụ gieo hạt rau ở nhà rồi mang đến lớp. Trẻ lau dọn, quét nhà, chăm sóc cây được bố mẹ ghi lại hình ảnh gửi cho cô giáo để phục vụ bài học hôm sau...Phụ huynh đã rất thích thú khi con mình được cô giáo giao nhiệm vụ để con có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường. Nhiều phụ huynh đã khuyến khích con tham gia lao động cùng bố mẹ, họ đã chụp ảnh và quay video clip gửi lên nhóm lớp. Tôi đã kết nối mở trên ti vi cho cả lớp cùng xem các cháu rất tò mò, thích thú qua đó tôi tuyên dương khích lệ các cháu để bạn khác học tập chung tay bảo vệ môi trường.

Ngoài ra tôi đã tuyên truyền, vận động phụ huynh lớp tôi ủng hộ những chậu cây cảnh, cây thuốc Nam, hạt giống, phân bón... nguyên vật liệu phế thải để cô và trò sáng tạo đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. Những vỏ hộp tưởng chừng bỏ đi giờ đây lại thành những chậu để trẻ trồng rau sạch, cây cảnh, cây thuốc Nam

Tôi đã giáo dục các con về tác hại của rác thải nhựa, các cách giảm thiểu sử dụng đồ nhựa đồng thời phối hợp chặt chẽ với cha mẹ của trẻ trong mọi hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường. Hoạt động giáo dục bảo vệ môi trường trong trường học đã góp phần hình thành nên một thế hệ mới có ứng xử đẹp bảo vệ môi trường, đồng thời tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các phụ huynh và cộng đồng xã hội, góp phần xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp. Tuy nhiên, để phong trào “Nói không với rác thải nhựa” đi đúng hướng rất cần sự phối hợp, chung tay của cả xã hội và mỗi gia đình. Nếu trong trường học các con được dạy không dùng hộp xốp, giảm dùng đồ nhựa mà điều đó không được thực hành đúng đắn, nhất quán ở gia đình và xã hội thì rất khó để hình thành ý thức, thói quen lâu bền trong con trẻ”.

 

 

(Ảnh minh họa 20,21,22,23)

 

4. Hiệu quả của sáng kiến:

       Qua một thời gian thực hiện những biện pháp trên tại lớp tôi thấy kết quả đạt được như sau:

        -  Trẻ ở lớp có những thói quen hành vi biết giữ vệ sinh thân thể, biết giữ đầu tóc quần áo gọn gàng, biết tự giác rửa tay khi tay bẩn, biết giữ gìn đồ dùng học tập, đồ chơi.

       - Trẻ có ý thức trong hành vi và các hoạt động bảo vệ môi trường, trẻ thích được tham gia lao động tập thể để bảo vệ môi trường trong và ngoài lớp học. Trẻ có ý thức vệ sinh môi trư­ờng ở lớp cũng như ở nhà, tự phân loại rác và bỏ rác vào thùng đúng nơi quy định, tự giác nhặt rác dọn vệ sinh sân trường, lớp học, biết chăm sóc cây, đi vệ sinh đúng nơi quy định, không vứt rác bừa bãi, không ngắt lá bẻ cành, hái hoa... Trẻ biết nhắc nhở bạn dọn vệ sinh trường, lớp để bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp

- Trẻ biết sử dụng tiết kiệm điện (tắt điện khi ra khỏi phòng, tắt tivi khi không xem)

- Trẻ biết sử dụng tiết kiệm nước trong sinh hoạt hàng ngày ở nhà và ở trường (vặn vòi nước vừa đủ, khóa vòi nước sau khi dùng)

         - Trẻ có thái độ tích cực biết yêu thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên, thích tham gia quá trình trồng và chăm sóc cây cùng cô giáo và bố mẹ, thích chăm sóc bảo vệ  con vật nuôi.

 -Thông qua nội dung giáo dục bảo vệ môi trường, góp phần hình thành các kỹ năng sống và kỹ năng tự phục vụ cho trẻ

   - Phụ huynh có nhận thức đúng đắn về vai trò của giáo dục mầm non, họ quan tâm hơn đến hoạt động giáo dục con bảo vệ môi trường đồng thời nhiệt tình ủng hộ khuyên góp cho lớp. Cùng kết hợp với cô giáo để giáo dục trẻ tốt hơn trong hoạt động bảo vệ môi trường.

- Phụ huynh lớp tôi rất yên tâm, phấn khởi khi gửi con tại trường, lớp thấy con mình khỏe mạnh, tự tin, phát triển tốt về thể chất và tinh thần. Hơn thế nữa giờ đây trẻ lại có ý thức bảo vệ môi trường, không những ở trong nhà trường mà còn ở trong gia đình và khu phố.

Bảng 2. Kết quả so sánh có đối chứng

 

STT

 

Nội dung khảo sát

Đầu năm

Cuối năm

Đạt

Chưa đạt

Đạt

Chưa đạt

Số trẻ

Tỷ lệ

(%)

Số trẻ

Tỷ lệ

(%)

Số trẻ

Tỷ lệ

(%)

Số trẻ

Tỷ lệ

(%)

1

Biết cất dọn đồ dùng, đồ

chơi đúng nơi quy định

12

26.0%

34

74%

46

100

0

0

2

 

Biết giữ gìn vệ sinh trường, lớp

15

32.6%

31

67,3%

46

100

0

0

3

Biết chăm sóc và bảo vệ

cây xanh

13

28.2%

33

71.8%

45

97.8

01

2.2

4

Tự giác gom rác vào thùng để phân loại

 

11

23.9%

35

76.1%

45

97.8

01

2.2

5

Biết tiết kiệm điện, nước khi sử dụng

12

26.0%

34

74%

43

 

93,4

02

 

6,6

6

Phân biệt được những hành động đúng, sai với môi trường

14

30.4%

32

69.6%

45

97,8

01

2,2

 

 

 

 

III. KẾT THÚC VẤN ĐỀ

1. Kết luận.

Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ ở trường mầm non là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng và cần thiết qua đây sẽ hình thành cho trẻ thói quen, hành vi văn minh, ứng xử thân thiện môi trường, từ đó nhân cách trẻ sẽ phát triển hoàn thiện hơn. Bản thân tôi đã luôn cố gắng, nỗ lực trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ, đưa ra những biện pháp giáo dục ý thức cho trẻ bảo vệ môi trường và đã gặt hái được những kết quả nhất định trong việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ lớp tôi

Với một số biện pháp giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ mầm non mà tôi đã thực hiện trong năm học qua, tôi thấy trẻ lớp tôi đã có sự đổi thay rõ rệt, trẻ có thái độ tích cực than thiện đối với môi trường xung quanh, trẻ có ý thức và thói quen, hành vi để bảo vệ môi trường rất tốt, có kỹ năng tự phục vụ, tinh thần lao động tập thể, trẻ được tham gia vào hoạt động thực tế tìm hiểu và giữ gìn môi trường phù hợp với lứa tuổi

2. Những khuyến nghị.

* Đối với phòng giáo dục:

- Tổ chức thêm những buổi tập huấn cho giáo viên về lồng ghép giáo dục bảo vệ môi trường cho trẻ mầm non

- Rất mong cấp trên quan tâm tạo điều kiện cho giáo viên trong trường được đi kiến tập, thăm quan, dự các lớp chuyên đề về môi trường để giáo viên có cơ hội học hỏi thêm kinh nghiệm tổ chức hoạt động giáo dục bảo vệ môi trường cho trẻ

 * Đối với nhà trường:

- Tăng cường đầu tư kinh phí, đồng thời hướng dẫn, động viên, khuyến khích giáo viên tích cực nghiên cứu, sáng tạo thêm nhiều hoạt động mới, hấp dẫn trẻ để phát triển chương trình giáo dục mầm non, phấn đấu thực hiện có hiệu quả mục tiêu giáo dục theo độ tuổi

Trên đây là một số biện pháp, kinh nghiệm mà tôi đã thực nghiệm đề tài Một số biện pháp giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ 4-5 tuổi trong trường mầm non” Trong quá trình thực hiện không thể tránh khỏi những thiếu sót, rất mong đ­ược sự đóng góp ý kiến của ban giám hiệu và các đồng nghiệp để đề tài sáng kiến của tôi hoàn thiện và đạt kết quả tốt hơn

 

Chia sẻ bài viết:

Tin cùng chuyên mục

TRƯỜNG MẦM NON YÊN XÁ XÃ TÂN TRIỀU

Ngôi trường hạnh phúc của trẻ

Địa chỉ: Yên Xá –Tân Triều - Thanh Trì - Hà Nội

Hotline: 02485879001 - Email:mnyenxa-tt@hanoiedu.vn - Website: https://mnyenxa.hanoi.edu.vn

Tập đoàn công nghệ Quảng Ích